Chữa Tiểu Đục "Lâm Chứng" BẰng Đông Y

http://a8.vietbao.vn/images/vn888/hot/v2012/20120804-111114-1-mon-an-bai-thuoc-phong-tri-dau-thuoc-vi-67758-2.jpeg    Tiểu đục còn gọi là “lâm chứng” có các triệu chứng như  tiểu tiện khó đi, đi vặt, dắt, buốt, đau tức vùng bàng quang, đau bụng dưới.

Căn cứ biểu hiện thực tế trên lâm sàng bệnh này chia làm 5 loại như sau: khí lâm, cao lâm, lao lâm, thạch lâm. Trong đó có nhiệt lâm. Trong Kim quỹ yếu luợc đã sớm nhận thấy biểu hiện ở lâm sàng “Bệnh lâm trước hết là tiểu tiện đục, đau buốt từ bụng dưới lên rốn và cho đó là do nhiệt tại hạ tiêu gây nên”.Trong Chư bệnh nguyên hậu luận nói rằng “Mọi chứng lâm đều do thận hư và bàng quang nhiệt gây nên

Nguyên nhân bệnh lý:

1) Thấp nhiệt uất kết: Do thấp nhiệt uất kết ở dưới khiến khí hoá ở bàng quang không thuận lợi, dẫn đến tiểu tiện khó và đau buốt, đầy là nhiệt lâm. Nếu thấp nhiệt yếu trệ lâu, nung nấu ở đường tiết niệu kết thành sỏi gọi là thạch lâm, nếu thấp nhiệt hại đến phần huyết ở kinh lạc, bức bách gây nên đái ra máu gọi là huyết lâm, nếu thấp nhiệt trở trệ ở hạ tiêu khí hóa không thuận lợi trong đục lẫn lộn mỡ và thủy dịch theo đường nước tiểu mà ra gọi là cao lâm.

2) Tỳ thận đều hư: Do bệnh lâm lâu ngày không khỏi, thấp nhiệt làm hao tổn chính khí hoặc người già sức yếu, ốm đau lâu, khó nhọc nhiều, đều làm cho tỳ thận hư. Thận thì phần dưới không vững. Thận hư thì khí ở trong hãm xuống nên gây bệnh lâm. Nếu do lam lũ khó nhọc kéo dài gây nên gọi là lâm. Thận yếu chất mỡ và thủy dịch bài tiết ra gọi là cao lâm. Thận âm kém, hư nhiều ở phần huyết theo tiểu tiện ra gọi là huyết lâm.

Biện chứng luận trị:

Bệnh lâm mới phát phần nhiều thuộc thực, thuộc nhiệt, cách chữa nên thanh lợi là chính. Nếu lâu ngày không khỏi hoặc uống nhiều thuốc thanh lợi cũng dẫn đến hư hàn, trong điều trị nên quan tâm đến tỳ, thận. Bệnh biểu hiện cụ thể như sau:

1) Tiểu đục do nhiệt (Nhiệt lâm):

Tiểu tiện đi vặt, ít, rát buốt hay rớt són hoặc đi không gọn, nước tiểu vàng đục, bụng dưới và hố chậu đau tức, đau ngang vùng thắt lưng có sốt, miệng khô đắng, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu dày, mạch sác.

Phân tích: Do thấp nhiệt ủng kết ở hạ tiêu, khí hoá ở bàng quang không thuận lợi nên tiểu tiện ngắn dắt, do nhiệt bế lại nên đau buốt, đi tiểu không thông, nhiệt nhiều hơn thấp, nên tiểu tiện vàng đục, đại tiện táo, miệng không đắng. Lưỡi đỏ, rêu dày, mạch sác cũng là biểu tượng của chứng nhiệt.

Cách chữa: Thanh nhiệt tả hoả, lợi thấp thông lâm.

Thuốc dùng bài sau:

BÁT CHÍNH TÁN gia giảm:

(Hòa tể cục phương )

Thành phần:

Mộc thông

Cù mạch

Xa tiền tử

Biển súc

Hoạt thạch

Chích thảo

Sơn Chi tử

Đại hoàng:

lượng bằng nhau.

Cách dùng: Tán bột mịn, mỗi lần uống 8 - 12g với nước sắc Đăng tâm, có thể làm thuốc thang sắc uống.

Tác dụng: Thanh nhiệt tả hỏa, lợi tiểu thông lâm.

Giải thích bài thuốc:

 Bài thuốc chủ trị chứng lâm do thấp nhiệt nên trong bài:

+Cù mạch có tác dụng lợi thủy thông lâm, thanh nhiệt lương huyết.

+Mộc thông lợi thủy giáng hỏa là chủ dược.

+Biển súc, Xa tiền tử, Hoạt thạch, Đăng tâm thanh nhiệt lợi thấp thông lâm.

+Chi tử, Đại hoàng thanh nhiệt tả hỏa.

+Cam thảo điều hòa các vị thuốc.

 Trong bài chi tử, đại hoàng để thanh nhiệt, tả hoa, biển súc, cù mạch, hoạt thạch, mộc thông v.v... để lợi thấp thông lâm. Có sốt hoặc viêm nhiễm gia kim ngân, liên kiều.

2) Thạch lâm (đái ra sỏi):

Đi tiểu đau buốt, nước tiểu vàng đỏ và đục, trong nước tiểu có lúc có sạn nhỏ, có lúc sỏi tắc đường niệu đạo nên đau buốt và có lúc tắc bí khi đi tiểu. Do sỏi di động làm tổn thương đến mạch lạc nên nước tiểu lẫn máu.

Cách chữa: Thanh nhiệt lợi thấp, bài thạch, thông lâm.

Thuốc dùng bài sau:

 THẠCH VI TÁN gia giảm:

(Chứng trị chuẩn bổ):

Thạch vi (bỏ lông)         60g

Đông quỳ tử                   60g

Củ mạch                        30g

Hoạt thạch                   160g

Xa tiền                             90g

Cách dùng: Tán bột uống ngày 3 lần/ 12g.

Tác dụng  thanh nhiệt thông lâm, lợi thấp. trị tiểu buốt gắt, tiểu không thông…

Bài này gia kim tiền thảo, hải kim sa, kê nội kim.

Trong bài dùng thạch vi, cù mạch, đông qui tử, hoạt thạch, mộc thông để thanh nhiệt lợi thanh nhiệt lợi thấp thông, kim tiền thảo, hải kim sa, kê nội kim là những vị chính để bài sỏi thông lâm. Riêng vị kim tiền thảo liều lượng nên dùng gấp đôi từ 1 đến 2 lạng. Nếu hoả thịnh tiểu tiện bí gia chi tử, đại hoàng.

3) Huyết lâm (đái ra máu)

Nước tiểu nóng đi rát buốt, ra lẫn máu hoặc hoàn toàn máu đỏ tươi hoặc tím, đau buốt căng tức rất khó chịu, mạch sác. Nếu bệnh lâu ngày nước tiểu đỏ nhợt, đau buốt ít, mạch hư sác.

Phân tích: Do thấp nhiệt ủng kết ở hạ tiêu nên tiểu tiện nóng rát đau buốt. Do nhiệt lâm tổn thương đến huyết và mạch lạc, khiến huyết đi lung tung nên đái ra máu. Lưỡi vàng mạch sác là biểu tượng của chứng nhiệt. Bệnh lâu nước tiểu đỏ nhợt mạch hư sác, là âm hư hoả độc, tổn thương đến huyết lạc gây nên.

Cách chữa: Bệnh thuộc thực nên thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết chỉ huyết. Bệnh thuộc hư thì tư âm thanh nhiệt phải bổ hư, chỉ huyết.

Thuốc dùng bài: Bệnh thuộc thực dùng bài sau:

TIỂU KIẾM ẨM TỬ gia giảm:

 (Tế sinh phương):

Sinh địa                 20g

Tiểu lô căn            14g

Hoạt thạch             20g

Thông thảo              8g

Bồ hoàng               12g

Đạm trúc diệp       14g

Ngẫu tiết                30g

Đương quy           14g

Sơn chỉ                 12g

Cam thảo                4g

Cách dùng: sắc uống.

Tác dụng: Thanh nhiệt lợi thủy, lương huyết, chỉ huyết.

 Trong bài dùng tiểu kiếm, sinh địa, bồ hoàng, ngẫu tiết để lương huyết chỉ huyết, chi tử, trúc diệp, mộc thông, hoạt thạch để thanh nhiệt lợi thấp, đương qui, cam thảo để hoà vinh, giảm đau nếu đau buốt nhiều gia hổ phách.

 Bệnh thuộc hư yếu dùng bài Tri bá địa hoàng hoàn gia hạn liên thảo, A giao. Bài thuốc này để tư âm thanh nhiệt gia các vị trên để bổ hư chí huyết. Nếu bệnh lâu ngày không khỏi gia sâm, kỳ, cam thảo để bổ khí giữ huyết lại.

4) Cao lâm (Đái đường):

Đi tiểu ra đục và nhầy như nước gạo hoặc như mỡ loãng, niệu quản cảm giác nóng rát. Nếu bệnh lâu, hoặc khi lao động, mệt mỏi nhiều thì đái ra đục, đặc niệu quản đau ít, người gầy yếu tinh thần mệt mỏi choáng váng có khi ngất xỉu, lưng gối buồn mỏi, chân run, mạch tế nhược vô lực.

Phân tích: Do thấp nhiệt trệ cản trở ở hạ tiêu khí cơ không thông lợi, trong đục lẫn lộn đưa chất đục nhờ xuống cho nên đi tiểu như vậy và cảm giác đau rát. Nếu bệnh lâu thì đi ra như dầu mỡ người choáng váng gầy yếu mệt mỏi v.v... là do tinh dịch bị tiết ra nhiều, thận hư không vững gây nên.

Cách chữa: Bệnh thực thì thanh nhiệt hoá thấp, phân trong đục.

Bệnh thuộc hư thì bổ thận thu giữ lại.

Thuốc dùng bài: Bệnh thuộc thực dùng bài sau:

TỲ GIẢI PHÂN THANH ẨM  gia giảm:

(Đan khê tâm pháp)

Thành phần:

Tỳ giải                    14g

Ô dược                 12g

Ích trí nhân            12g

Thạch xương bồ   12g

(Có bài thêm: Phục linh, Cam thảo).

Cách dùng: Tán bột mịn, mỗi lần uống 8 - 12g, cho tí muối sắc nước uống nóng. Nếu dùng thuốc thang sắc uống tùy tình hình bệnh mà gia giảm.

Tác dụng: Ôn thận lợi thấp, phân thanh khử trọc.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc chủ trị chứng cao lâm ( đái nhiều lần nước tiểu đục có chất nhờn). Trong bài:

+Xuyên Tỳ giải lợi thấp trị tiểu đục là chủ dược.

+Ích trí nhân ôn thận dương, làm giảm bớt lần tiểu tiện.

+Ô dược ôn thận hóa khí.

+Thạch xương bồ hóa trọc thông khiếu.

Bệnh thuộc hư dùng bài thuốc trên hợp với bài Lục vị địa hoàng hoàn bỏ xương bồ, gia hoàng kỳ, thở ty, liên tu, khiếm thực, long cốt, mẫu lệ để bổ thận cố sáp. Nếu dương hư lưng gối đau, lạnh dùng bài Thận khí hoàn gia giảm có vị: Địa hoàng, sơn dược, sơn thù, phục linh, trạch tả, đan bì, quế chi, phụ tử.

5) Lao lâm: (Khi lao động nặng, mệt nhọc thì đái nhiều).

Triệu chứng: Nước tiểu vàng rắc thường rớt xón, lúc đi lúc không, khi lao động mệt nhọc đi nhiều, tinh thần mệt mỏi lưỡi nhợt, mạch hư, mặt đỏ buồn bực.

Phân tích: Bệnh này lâu ngày uống nhiều các thứ mát lạnh, do người cơ thể yếu lao động quá sức, dẫn đến tỳ thận đều hư gặp khi khó nhọc, bệnh phát do khí huyết suy, nên tinh thần mệt mỏi, lưỡi nhợt, mạch hư nhược, thậm chí khiến khí hãm, bụng dưới quặn thắt, đái rặn từng giọt không ra, nếu thận âm kém, nóng trong thì sắc mặt đỏ, buồn phiền, lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Cách chữa: Thuộc tỳ hư, khí bị hãm thì nên bổ trung ích khí, thuộc thận hư thì nên bổ thận dưỡng âm.

Thuốc dùng bài: Thuộc khí hãm thì dùng bài sau:

BỒ TRUNG ÍCH KHÍ THANG  gia giảm:

(Tỳ vị luận)

Thành phần:

Hoàng kỳ               20g

Chích thảo               4g

Thăng ma                6g

Đảng sâm             16g

Đương qui             12g

Sài hồ                    10g

Bạch truật             12g

Trần bì                     6g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Điều bổ tỳ vị, thăng dương ích khí.

Giải thích bài thuốc:

+Hoàng kỳ bổ trung ích khí, thăng dương cố biểu là chủ dược.

+Đảng sâm, Bạch truật, Chích thảo ích khí bổ tỳ kiện vị.

+Trần bì lý khí hóa trệ.

+Thăng ma, Sài hồ hợp với Sâm Kỳ để ích khí thăng đề.

+Đương qui bổ huyết hòa vinh.

Các vị thuốc hợp lại thành bài thuốc có tác dụng bổ trung ích khí, thăng dương cố biểu làm cho tỳ vị được cường tráng, trung khí được đầy đủ.

 Bài này ứng dụng cho bệnh lao lâm lấy bổ khí và thăng đề là chính. Thuộc thận hư nội nhiệt dùng bài Tri bá địa hoàng hoàn để giúp thận và thanh nhiệt.

Tóm lại: Bệnh lâm tuy chia làm 5 loại nhưng trên thực tế lâm sàng chia làm hai loại hình chính là bệnh thuộc hư và thuộc thực. Bệnh thuộc thực chủ yếu là do thấp nhiệt.

Cách chữa: cần thanh nhiệt lợi thấp. Bệnh thuộc hư do tỳ thận hư là chính, cách chữa nên kiện tỳ bổ thận. Bệnh lâm lâu ngày thường có hư thực lẫn lộn, nên phân biệt gốc ngọn, mãn, cấp để có cách điều trị cho đúng.

Phụ lục bệnh đái đục:

Bệnh này nước tiểu ra đục như nước gạo, đi tiểu bình thường không rát buốt, bệnh này phát sinh quan hệ mật thiết giữa hai tạng tỳ và thận, trên lâm sàng chia là 4 loại hình chính là:

1) Đái đục mà thấy hông bụng đầy tức, khát nước rêu lưỡi dày vàng, mạch nhu sác là do tỳ thận nhiệt ảnh hưởng xuống bàng quang, cách chữa nên kiện tỳ hoá thấp, dùng bài Tỳ giải phân thanh ẩm bài trên.

2) Đái đục lâu ngày sắc mặt trắng nhợt, lưỡi nhợt, mạch hư yếu là do tỳ hư khí hãm, chất tinh và dầu xuống bàng quang, cách chữa nên ích khí lọc trong.

Dùng bài Bổ huyết khí thang.

3) Đái đục mà có sốt nhẹ buồn bực, miệng khô, lưỡi đỏ mạch tế là do thận âm suy tổn, hư nhiệt bên trong. Cách chữa nên bổ thận, thanh nhiệt dùng bài Tri bá địa hoàng hoàn.

4) Đái đục mà sắc mặt nhợt nhạt chân tay lạnh, tinh thần mệt mỏi, lưỡi nhợt, mạch trầm là do vùng dưới không được vũng mạnh. Cách chữa nên ôn thận cố sáp thuốc dùng bài Hữu quy hoàn. (tức là bài thận khí hoàn gia đổ trọng, thổ ty tử, lộc giác giao.

Các Bài Viết Khác
LƯƠNG Y MINH PHÚC
BẢN ĐỒ PHÒNG KHÁM
Phóng To Bản Đồ
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Đọc Sách Online
Tác giả: Lương Y Minh Phúc
Nhà xuất bản Y Học 2013
Số trang: 600 trang
Giá bán: 300.000 đ
Có bán tại hiệu sách hoặc điện thoại số 0903051388 gửi sách tận nơi.
GIỜ LÀM VIỆC
Sáng: Từ 7 giờ 30 đến 11 giờ
Chiều: Từ 16 giờ 30 đến 21 giờ
Chiều Thứ 7 và Chủ Nhật nghỉ.
Liên hệ: 0938895850
Vui lòng để lại tin nhắn khi máy bận.
THỐNG KÊ TRUY CẬP