Chữa Tích Tụ "Bụng có kết khối" Bằng Đông Y

http://a8.vietbao.vn/images/vn888/hot/v2012/20120804-111114-1-mon-an-bai-thuoc-phong-tri-dau-thuoc-vi-67758-2.jpeg     Tích tụ là loại bệnh trong bụng kết khối hoặc sưng hoặc đau. Tích tụ chia làm 2 loại: tích là kết thành khối cố định không di chuyển, sưng đau ở một bộ phận nhất định. Tụ là có khối sưng đau di chuyển không cố định. Tích phần lớn thuộc về huyết hình thành khối, thời gian lâu thuộc loại nặng khó chữa. Tụ phần nhiều thuộc về khí di động và dễ tan dễ tụ, bệnh phát thời gian ngắn nhẹ, dễ chữa. Theo y học hiện đại tích tụ do công năng của tràng vị bị rối loạn cản trở đường ruột, đường đại tiểu tiện, gan lách sưng, khối u ở phúc nang hoặc dưới thận nang.

Nguyên nhân bệnh lý:

Bệnh này phát sinh do thất tình uất kết, khí trệ huyết ứ hoặc do tổn thương về ăn uống đờm trệ hoặc do ấm lạnh thất thường khiến chính khí hư ngưng trệ. Căn cứ vào sự biến hoá của tật bệnh, mới phát phần nhiều thuộc thực, bệnh lâu phần nhiều thuốc hư. Cụ thể có mấy nguyên nhân sau đây:

1) Tình chí uất ức:

Do tạng phủ không điều hoà, khí cơ không được thư thái, khí trệ huyết ngưng qua nhiều ngày tháng thành tích tụ. Vì thế người ta nói rằng: “Nếu quá vui, mừng, lo, nghĩ, sợ hãi, tức giận cũng gây thành tích tụ”.

2) Ăn uống bị tổn thương:

Do rượu chè hoặc ăn uống không điều độ khiến chức năng vận hoá của tỳ vị giảm, thấp trọc ngưng tụ thành đàm, đờm với khí gây trở ngại, huyết không lưu thông gây thành tích tụ. Như trong “Vệ sinh bảo giám” nói: Phàm những người tỳ vị hư yếu hoặc ăn uống quá độ, sống lạnh thất thường thức ăn không chuyển hoá được dần dần tích tụ hình thành.

3) Hàn thấp ngưng tụ:

Do hàn thấp xâm nhiễm tỳ dương không vận hoá thấp đờm ngưng tụ khiến khí huyết ứ trệ gây thành bệnh như trong thiên “Bách bệnh thủy sinh sách Linh khu nói: “Bệnh tích do lạnh gây nên”, ý nói nhiệt lượng thiếu nên vận hoá kém hình thành tích tụ. Như trên đã nói: tích tụ có nhiều nguyên nhân nhưng tóm lại nguyên nhân chính là do khí trệ huyết ứ.

Biện chứng:

Tích tụ có khác nhau nhưng khí tụ làm ảnh hưởng đến huyết hành, huyết ứ phần lớn là do khí trệ, chính khí cũng có quan hệ đến tích tụ bởi vì tích lâu khiến chính khí suy nhiều nên bệnh nặng, tụ thời gian ngắn chính khí suy ít nên bệnh nhẹ. Trên thực tế lâm sàng thường thấy bệnh tụ trước hết là do khí trệ sau đó dẫn đến huyết ứ thành tích, vì thế trong điều trị phải chữa tụ để khỏi dẫn thành tích; chủ yếu là: chữa tụ thì phải sơ can, lý khí, hoá đờm là chính; chữa tích thì phải hoạt huyết, tiêu ứ, lý khí là chính đồng thời bổ chính khí và nhuyễn kiến.

a) Chứng tụ:

+ Can khí uất trệ: có u khối bên trong bụng đau khối lúc tán lúc tụ, hông bụng buồn bực đầy tức, lưỡi nhợt mạch huyền.

Phân tích: Do can khí uất kết, khí cơ không được thuận lợi nên hông bụng cảm giác đầy tức. Khí tụ thành hình có lúc di chuyển và đau tức, khí khối tan thì đau giảm.

Cách chữa: Sơ can giải uất, hành khí tiêu tụ.

Thuốc dùng bài: TIÊU DAO TÁN

(Hòa tể cục phương )

Thành phần:

Sài hồ                       40g

Đương qui                40g

Bạch thược              40g

Bạch truật                40g

Bạch linh                  40g

Chích thảo                20g

Cách dùng: Tất cả tán bột, trộn đều mỗi lần uống với nước Gừng lùi 12g sắc với Bạc hà. Có thể dùng thuốc thang.

Tác dụng: Sơ can giải uất, kiện tỳ, dưỡng huyết. Chủ trị: chứng can uất huyết hư.

Giải thích bài thuốc: Bài thuốc do bài Tứ nghịch thang gia giảm.

+Sài hồ sơ can giải uất là chủ dược.

+Đương qui, Bạch thược bổ huyết dưỡng can, hòa vinh.

+Bạch linh, Bạch truật, Cam thảo kiện tỳ bổ trung.

Gừng lùi hòa chung dùng với Qui Thược để điều hòa khí huyết, Bạc hà giúp Sài hồ sơ can giải uất. Các vị thuốc hợp lại dùng thành một bài có tác dụng sơ can lý tỳ, hòa vinh dưỡng huyết.

+ Thực trệ đờm trở: Bụng đau và đầy, đại tiện bí, chán ăn có lúc trong bụng nổi thành khối, ấn vào thấy đau nhói, lưỡi nhợt mạch huyền hoạt.

Phân tích: đạo trệ, lý khí, hoá đờm thông đại tiện.

Thuốc dùng bài: LỤC MA THANG gồm có vị: Trầm hương, mộc hương, binh lang, ô dược, chỉ thực, đại hoàng.

Trong bài dùng đại hoàng, chỉ thực, binh lang để hoá trệ thông đại tiện, trầm hương, mộc hương, ô dược để lý khí gia bán hạ, bạch linh, trần bì để hoá đờm điều hoà bên trong thì thực trệ sẽ tiêu, thấp đờm sẽ trừ, khí cơ được thông lợi bệnh sẽ khỏi.

Tuy tụ là chứng thuộc thực nhưng tái phát nhiều lần khiến tỳ, vị tổn thương dùng bài Tỳ hoà vị thang gồm có vị: Nhân sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo, bán hạ, trần bì, mộc hương, sa nhân.

b) Chứng tích:

      1) Khí uất huyết trở (Tích tụ): Dưới hông bụng có khôi, nắn mềm không di chuyển, đau tức khó chịu, lưỡi nhợt, mạch huyền.

Phân tích: Do can khí uất kết, mạch lạc không được điều hoà bệnh mới phát nên khối mềm, do khí trệ huyết không lưu hành được nên khối không di chuyển, điểm đau cố định, chứng tụ là do can khí uất trệ khác với chứng tích là do khí uất huyết trở. Vì thế phải nắm lấy đặc điểm của bệnh tích là: khối cố định đau ở một điểm.

Cách chữa: Lý khí hoạt huyết tiêu tích.

Thuốc dùng bài sau:

KIM LỆNH TỦ TÁN

(Kinh huệ phương):

Kim lệnh tử

Xuyên luyện tử

Diên hồ sách.

Cách dùng: liều bằng nhau tán bột uống ngày 3 lần/ 12g.

Tác dụng: sơ can, tiết nhiệt, hành khí chỉ thống. trị ngực đau, ngực sườn đau.

và bài sau:

THẤT TIẾU TÁN

(Cục phương):

Ngũ linh chi            340g

Sinh bồ hoàng        160g

Cách dùng: bỏ vào túi vải sắc uống.

Tác dụng: hành khí tán ứ, chỉ thống… trị tiểu trường khí tích tụ làm cho tim đau, bụng đau…

 Trong bài dùng kim lệnh tứ để sơ can hành khí, huyền hồ để lý khí hoạt huyết, giảm đau, ngũ linh chi, bồ hòang để hoạt huyết tiêu ứ, khí huyết được lưu thông thì tích sẽ tiêu, đau sẽ khỏi. Nếu khí uất, huyết trở cùng gây bệnh dùng hai bài trên không khỏi thì dùng bài Thất Khí Thang gồm những vị: Thanh cam thảo, tam lăng, nga truật, hương phụ, ích trí nhân  nếu sốt rét, đau mình có triệu chứng bệnh ở biểu, cách chữa nên giải biểu lý khí thông trệ, tiêu tích dùng bài Ngũ tích tán để chữa bệnh tích mới phát lại bị cảm hàn thấp bên ngoài.

2) Ứ huyết nội kết (Tích tụ) :

Khối trong vùng bụng rắn chắc nổi rõ không di động đau nhói, ấn vào đau nhiều, da xám gầy yếu, mệt mỏi ăn ít, có lúc sốt, rét, lưỡi nhợt hoặc vàng nhợt hoặc tím, có đốm đỏ, mạch tế sác.

Cách chữa: Hành khí, khử ứ, nhuyễn kiên.

Thuốc dùng bài sau:

CÁCH HẠ TRỤC Ứ THANG

( Y lâm cải thác)

Thành phần:

Ngũ linh chi              12g

Đương qui                12g

Xuyên khung              8g

Đào nhân                 12g

Đơn bì                      12g

Xích thược               10g

Ô dược                      8g

Diên hồ sách              6g

Cam thảo                 12g

Hương phụ                 8g

Hồng hoa                  10g

Chỉ xác                       8g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: hoạt huyết hóa ứ hành khí chỉ thống. trị: chứng huyết ứ dưới cơ hoành hoặc hình thành khối u đau. Trường hợp xơ gan hoặc gan lách to dùng bài này có kết quả nhất định.

Trong bài dùng đào nhân, hồng hoa, đương quy, xuyên khung, ngũ linh chi, huyền hồ, đan bì, xích thược là những loại thuốc hoạt huyết, tiêu ứ; ô dược, chỉ xác để lý khí, cam thảo để phối hợp điều hoà để vừa trị đau vừa tiêu dưỡng tỳ vị.

  Nếu khối tích lâu ngày dùng bài Miết giáp tiễn hoàn gồm có vị: Miết giáp, ô san, hoàng cầm, sài hồ, thử phụ, can khương, đại hoàng, thược dược, quế chi, đình lịch, thạch vi, hậu phác, đan bì, cù mạch, tử uy, bán hạ, nhân sâm, a giao, tổ ong, xích tiêu, khương lang (bọ hung), đào nhân.

3) Chính hư ứ kết (Tích tụ) :

Khối kết rắn chắc đau nhức ngày càng tăng da vàng xám, người gầy guộc, ăn rất ít lưỡi tím hoặc đỏ nhợt, mạch tế sác.

Phân tích: Vì bệnh lâu ngày chính khí suy dần mạch lạc ứ trệ nên khôi tích rắn chắc, đau càng tăng, tỳ vị vận hóa kém, ăn ít, khí huyết dần suy nên gầy guộc, lưỡi và mạch như trên cũng do âm huyết tổn thương.

Cách chữa: Đại bổ khí huyết, hoạt huyết hoá ứ.

Thuốc dùng bài sau:

BÁT TRÂN THANG

(Chính thể loại yếu)

Thành phần:

Đương qui                12g

Bạch thược              12g

Bạch linh                  12g

Xuyên khung              8g

Đảng sâm                12g

Bạch truật                12g

Thục địa                   12g

Chích thảo                  4g

Sinh khương           3 lát

Đại táo                   2 quả

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Ích khí bổ huyết.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc gồm 2 bài: " Tứ vật" và " Tứ quân" hợp lại thành một bài thuốc có tác dụng song bổ khí huyết. Trong bài:

+Tứ quân bổ khí.

+Tứ vật bổ huyết.

+Sinh khương, Đại táo để điều hòa vinh vệ.

 hợp với BÀI HOÀ TÍCH HOÀN gồm có vị: Tam lăng, nga truật, a nguỳ, hải phù thạch, (bọt đá), hương phu, hùng hoàng, binh lang, tô mộc, ngoã bảng tử (hạt bàng), ngũ linh chi

Trong bài dùng sâm, linh, truật, thảo, khung, quy, thục, thược để đại bổ khí huyết. Dùng tam lăng, nga truật, a nguỳ, hải phù thạch, hương phụ, hùng hoàng, binh lang, tô mộc, ngũ linh chi để phát ứ hoạt huyết nhuyễn kiên.

Ngoài ra bệnh trưng hà cũng thuộc phạm trù của tích tụ như trong “Chư bệnh nguyên hậu luận” nói: “Khối không di động thuộc trưng, khối di động thuộc hà; vì thế trung với tích là một loại hình, hà với tụ là một loại hình; Đặc điểm của trưng và tích là rắn chắc không di chuyển, hà và tụ lúc tan lúc tụ và di chuyển. Từ ý nghĩa đó mà căn cứ vào từng bộ phận trong vùng bụng để xác định bệnh nặng nhẹ khó dễ.

Tích tụ và đầy chướng hai loại khác nhau: đầy chướng thuộc bộ vị của dạ dày, đầy chướng trở ngại không thông đầy tức khó chịu không có khối tích

Tóm lại chứng tụ mới phát dễ chữa nhanh khỏi nếu để lâu hoặc chữa không khỏi thì sẽ thành chứng tích.

Chứng tích mới phát nếu chữa không kịp thời hoặc chữa không khỏi sẽ thành cổ trướng, nôn, ỉa ra máu là bệnh rất nghiêm trọng.

Các Bài Viết Khác
LƯƠNG Y MINH PHÚC
BẢN ĐỒ PHÒNG KHÁM
Phóng To Bản Đồ
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Đọc Sách Online
Tác giả: Lương Y Minh Phúc
Nhà xuất bản Y Học 2013
Số trang: 600 trang
Giá bán: 300.000 đ
Có bán tại hiệu sách hoặc điện thoại số 0903051388 gửi sách tận nơi.
GIỜ LÀM VIỆC
Sáng: Từ 7 giờ 30 đến 11 giờ
Chiều: Từ 16 giờ 30 đến 21 giờ
Chiều Thứ 7 và Chủ Nhật nghỉ.
Liên hệ: 0938895850
Vui lòng để lại tin nhắn khi máy bận.
THỐNG KÊ TRUY CẬP