Chữa Tiêu Chảy Bằng Đông Y

http://a8.vietbao.vn/images/vn888/hot/v2012/20120804-111114-1-mon-an-bai-thuoc-phong-tri-dau-thuoc-vi-67758-2.jpeg     Tiêu chảy còn gọi tiết tả tức là đi ỉa nhiều lần, phân lỏng nát thậm chí đi ra nước không. Nội kinh cho là bệnh “Tiết” gồm có: “Nhu tiết”, “Đông tiết”, “Trúc tiết”; các thầy thuốc đời Đường gọi là bệnh “Hạ lợi”, thời Tống tổng quát là bệnh “Tiết tả”.

Theo y học hiện đại thì loại bệnh này thuộc hệ thống công năng và bệnh lý của dạ dày, đường ruột, can, đởm hoặc viêm đại tràng cấp và mãn tính.

Nguyên nhân bệnh lý:

Bệnh tiết tả chủ yếu thuộc về tỳ vị và đại tiểu tràng nguyên nhân gây bệnh gồm: cảm thụ ngoại tà, thương tổn về ăn uống, tạng phủ hư suy hoặc công năng bị mất điều độ v.v... chủ yếu là bị thấp hoặc công năng vận hoá của tỳ vị bị trở ngại, trên lâm sàng, thường thấy phần nhiều thuộc thấp tà, trong thấp tà có hàn thấp và thấp nhiệt. Công năng vận hoá của tỳ vị bị trở ngại gồm có bệnh tà gây ảnh hưởng, cơ thể suy nhược, can tỳ mất điều độ và thận dương bị suy yếu.

1) Do cảm thụ ngoại tà: cảm thụ ngoại tà gồm có: Hàn, nhiệt, thử, thấp trong đó phần nhiều là do thấp tà. Vì tỳ ưa táo mà không ưa thấp, do đó thấp tà dễ hại đến tỳ, hàn, thử, nhiệt đều làm thương tổn đến tỳ vị khiến công năng vận hoá bị trở ngại. Không phân biệt được trong đục, thăng giáng thất thường gây nên tuy hàn, thử, nhiệt tà có khác nhau nhưng đều có quan hệ đến thấp tà, cho nên thường nói “Không có thấp không thành tà”.

2)  Do bị tổn thương về ăn uống: ăn uống quá độ khiến đình trệ lại hoặc ăn nhiều các thứ dầu mỡ sông lạnh khiến tỳ vị bị tổn thương, công năng vận hoá bị trở ngại như trong cảnh nhạc toán thư nói: “Ăn không điều độ ở không thích nghi, tỳ vị bị tổn thương, thủy biến thành thấp, thực biến thành trệ, tinh hoa không chuyển hoá dẫn đến tiết tả”.

3)Do tỳ vị dương hư: Tỳ sở dĩ đảm bảo được công năng vận hoá là nhờ ở dương khí đầy đủ. Nếu lao động quá sức, đau ốm triền miên đều dẫn đến tỳ dương hư suy không tiêu hoá được thức ăn, đình trệ lại, trong đục hỗn tạp gây nên tiết tả.

4) Do mệnh môn hoả suy: Nếu ốm lâu hoặc đi lỏng kéo dài, tổn thương đến thận dương, thận dương suy không ôn được tỳ, khiến tỳ dương suy dẫn đến tiết tả. Trong Cảnh nhạc toàn thư nói: “Dạ dày là quan ải của thận khai khiếu ở tiền âm và hậu âm (đại tiện và tiểu tiện) thận chủ chức năng đóng mở. Nếu thận dương yếu, mạnh môn hoả suy, âm hàn nhiều gây ra tiết tả.

5) Tình cảm, ý chí không bình thường: Người vốn tỳ vị hư yếu lại bị tình chí thất thường ảnh hưởng đến như tức giận hại can, lo nghĩ hại tỳ, khiến can khí phạm tỳ vị, khiến tỳ vị vận hoá kém gây nên tiết tả.

Như trên đã nói: Bệnh tiết tả có 2 nguyên nhân chính: Nguyên nhân bên ngoài là do ngoại tà xâm nhập tỳ vị; nguyên nhân bên trong là do tỳ vị yếu hoặc do ăn uống gây nên. Mãn tính là do tỳ hư là chính, cấp tính do thấp tà là chính và phân biệt thuộc hàn, thuộc nhiêt, thuộc hư, thuộc thưc.

- Phân trong, nát thuộc hàn; phân vàng, nồng thối thuộc nhiệt; Bụng đau xoắn, đẩy tả xong đau đầy giảm thuộc thực; bụng không đau hoặc đau lâm râm, ưa chườm nắn thuộc hư.

A) CẤP TÍNH:

1) Cảm thụ hàn thấp:

Bụng đau, bụng dưới sôi nhiều, phân lỏng và nát, hoặc sốt nhẹ sợ lạnh choáng đầu, ngạt mũi buồn mỏi, lưỡi nhợt mạch nhu.

Phân tích: Bị cảm thụ hàn thấp ảnh hưởng đến tỳ vị, công năng tỳ vị bị giảm, thăng giáng không đều, trong đục lẫn lộn, tiêu hoá kém, các thứ dồn xuống, đại tràng gây sôi và tả. Khí cơ của tràng vị bị cản trở nên đau bụng; nếu bị phù, bị nhiễm phong hàn thì phát sốt sợ lạnh, đau đầu, lưỡi nhợt, mạch nhu tế là biểu tượng của hàn thấp.

Cách chữa: giải biểu tán hàn hoá trọc chỉ tả.

Thuốc dùng bài sau:

 HOẮC HƯƠNG CHÍNH KHÍ TÁN gia giảm:

(Hòa tể cục phương)

Thành phần:

Hoắc hương                   12g

Cát cánh                        12g

Phục linh                       12g

Hậu phác                       10g

Tô diệp                           12g

Bạch truật                      12g

Bán hạ khúc                    8g

Bạch chỉ                         12g

Đại phúc bì                     12g

Trần bì                            12g

Chích thảo                        4g

Cách dùng: Tán bột mịn, mỗi lần uống 6 - 12g với nước Gừng và Đại táo. Có thể dùng thuốc thang.

Tác dụng: Giải biểu, hòa trung, lý khí hóa thấp.

Giải thích bài thuốc:

+Hoắc hương tác dụng phương hương hóa thấp, lý khí hòa trung kiêm giải biểu là chủ dược.

+Tô diệp, Bạch chỉ giải biểu tán hàn hóa thấp.

+Hậu phác, Đại phúc bì trừ thấp tiêu trệ.

+Bán hạ khúc, Trần bì lý khí hòa vị, giáng nghịch chỉ ẩu.

+Cát cánh tuyên phế thông lợi thấp trệ.

+Linh, Truật, Thảo, Táo ích khí kiện tỳ giúp vận hóa lợi thấp.

Bài này có thể gia giảm để tán phong hàn, táo thấp, trừ đầy, kiện tỳ tràng vị khiến thấp trọc được hoà, phong hàn được hoá, phong hàn được giải, công năng của tỳ vị được phục hồi tả sẽ khỏi.

2) Thấp nhiệt bức bách ở dưới: vừa đau vừa tả, đi nhanh như xối nước, phân vàng mùi hôi thối, hậu môn nóng rát, tiểu tiện vàng dắt, buồn bực khát nước, rêu lưỡi vàng, mạch nhu sác.

Phân tích: Trong vụ hè thu, nắng nóng và độ ẩm cao gây ra thấp nhiệt hại đến tràng vị khiến sự truyền hoá thất thường gây nên ỉa chảy, thấp nhiệt dồn xuống dưới, tính của nhiệt là cấp bách nên ỉa như xối nước, bụng đau gấp, hậu môn nóng rát, phân vàng, nát hôi thối, tiểu tiện vàng dắt, ít buồn bực, khát nước rêu lưỡi vàng, mạch nhu sác đều là biểu hiện thấp nhiệt cao.

Cách chữa: Thanh nhiệt lợi thấp.

Thuốc dùng bài sau:

 CÁT CĂN HOÀNG CẦM HOÀNG LIÊN THANG gia giảm:

(Thương hàn luận)

Thành phần:

Cát căn                          20g

Hoàng cầm                    12g

Hoàng liên                        8g

Chích thảo                        4g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Giải biểu, thanh nhiệt.

Giải thích bài thuốc:

+Cát căn có tác dụng giải biểu, vừa có tác dụng kiện tỳ khí, chữa lî, tiêu chảy.

+Hoàng cầm, Hoàng liên thanh nhiệt ở đại tràng, tính vị đắng, hàn có tác dụng táo thấp trị cả lỵ.

+Cam thảo kiện tỳ hòa trung, điều hòa các vị thuốc.

+Các vị thuốc hợp thành bài thuốc chữa tả lî cấp có sốt.

 Nếu thấp nặng, bụng buồn bực, không khát hoặc khát mà không muốn uống, lưỡi vàng rêu dày, cần phải hoá thấp gia thêm thương truật, hậu phác, xa tiền. Nếu nhiệt nặng sốt cao, khát nước mạch hoạt sác, cần phải thanh nhiệt gia liên kiều, tri mẫu. Nếu trong mùa hạ, thử thấp nhiều gia hoắc hương, hương nhu, biển đậu, bạc hà, có đình trệ do ăn uống gia sơn tra, thần khúc.

3) Bị thương thực (do ăn uống): Bụng đau và sôi, tả ra phân nát và nồng thối, tả xong đau giảm, hông bụng đầy tức, ợ ra hơi chua và nồng, rêu lưỡi dày, mạch hoạt sác.

Phân tích: Do ăn uống không điều độ, thức ăn gây trở ngại ở tràng vị nên bụng đau, đầy, sôi. Thức ăn đình tích lại gây ợ hơi chua nồng, đi tả phân nóng hổi, sau khi tả bã và đục được tống ra nên bụng giảm đau. Rêu lưỡi dày, mạch hoạt sác là thực tích hoá thành nhiệt.

Cách chữa: Tiêu thực, đạo trệ.

Thuốc dùng bài sau:

 BẢO HÒA HOÀN gia giảm:

(Đơn khê tâm pháp)

Thành phần:

Sơn tra                        240g

Bạch linh                      120g

Thần khúc                     80g

Liên kiều                         40g

Bán hạ                          120g

Trần bì                            40g

La bạc tử                        40g

 Mạch nha                      14g

Cách dùng: Tất cả tán bột mịn, hồ viên. Mỗi lần uống 6 - 12g với nước sôi nguội hoặc nước sắc Mạch nha sao. Có thể làm thuốc thang lượng tùy theo bệnh lý.

Tác dụng: Tiêu tích hòa vị, thanh nhiệt lợi thấp.

Giải thích bài thuốc:

+Sơn tra, La Bạc tử, Thần khúc đều có tác dụng tiêu thực nhưng Sơn tra chủ yếu là tiêu +Tích do chất dầu mỡ. La Bạc tử tiêu tích do chất đường bột thêm tác dụng giáng khí hóa đàm.

+Thần khúc tiêu thực do ngoại cảm ảnh hưởng chức năng tỳ vị đều là chủ dược.

+Bán hạ, Trần bì, Bạch linh hành khí hòa vị hóa thấp.

  Nếu thức ăn tích trệ lại, bụng đau và đầy gia đại hoàng, chỉ thực, binh lang để thông tích trệ, theo ý nghĩa “Thông nhân thông dụng”.

B/ TIẾT TẢ MÃN TÍNH:

1) Tiêu chảy do Tỳ vị hư yếu: Đại tiện lúc ỉa lỏng, lúc són, ăn không tiêu, chán ăn, sau khi bụng đầy, buồn, mặt bủng, tinh thần mệt mỏi, rêu lưỡi trắng nhợt mạch hoãn nhược.

Phân tích: Do tỳ vị hư yếu, vận hoá kém, trong đục không phân biệt, thăng giáng thất thường, ăn không tiêu lúc tả lúc sớm; Tả lây tỳ vị càng hư yếu, không sinh được tinh hoa, khí huyết kém dần nên mặt bủng, gầy yếu mệt mỏi.

Cách chữa: Kiện tỳ hóa thấp.

Thuốc dùng bài sau:

 SÂM LINH BẠCH TRUẬT TÁN gia giảm:

(Hòa tể cục phương)

Đảng sâm                      14g

Bạch truật                      12g

Phục linh                        14g

Hoài sơn                        14g

Liên nhục                       14g

Trân bì                            12g

Sa nhân                            4g

Bạch biển đậu                12g

Cát cánh                          8g

Cam thảo                         4g

 Đại táo              3 quả
Cách dùng: Tất cả tán bột mịn, mỗi lần uống 8 - 12g với nước sôi nguội hoặc làm thuốc thang sắc nước uống.
Tác dụng: Bổ khí kiện tỳ, thẩm thấp hòa vị, lý khí hóa đàm. trị: Dùng chữa các bệnh rối loạn tiêu hóa kéo dài, viêm đại tràng mạn tính, ăn kém tiêu chảy hoặc trường hợp viêm cầu thận mạn thuộc thể tỳ hư hoặc trường hợp lao phổi, ho đàm nhiều, chán ăn, cơ thể mệt mỏi thuộc thể tỳ phế khí hư, dùng bài thuốc này đều có kết quả tốt.

Giải thích bài thuốc:

+Sâm linh, truật, thảo, hoài sơn, biểu đậu, liên nhục, ý dĩ để bổ tỳ lợi thấp,

+Trần bì, sa nhân, cam thảo để hoà vị, lý khí.

 Nếu hư hàn nhiều, chân tay không ấm, bụng sôi đi nhiều nước, nên ôn trung tán hàn. Dùng bài Lý trung hoàn gia phụ tử, nhục quế. Nếu tả lâu, khí hư hạ hãm, lòi đom dùng bài Bổ trung ích khí bội sâm kỳ để thăng thanh, kiện tỳ, chỉ tả.

2)Tiêu chảy do Thận dương hư suy: Trước khi rạng sáng đau quặn vùng rốn, bụng sôi, rồi tả, tả xong giảm đau, bụng lạnh, chân tay lạnh, sợ lạnh, lưỡi trắng nhợt mạch trầm tế.

Phân tích: Do tả lâu khiến thận dương hư, dương khí yếu, vị quan không vững nên có những triệu chứng trên: Loại này gọi là “Ngũ canh tiết tả” tức là tả và canh năm, sau khi tả khí được thông lợi nên giảm đau, người lạnh lưỡi nhợt, mạch trầm tế là biểu hiện của tỳ thận dương hư.

Cách chữa: ôn thận kiện tỳ.

Thuốc dùng bài sau:

 TỨ THẦN HOÀN gia giảm:

(Chứng trị chuẩn thằng)

Thành phần:

Bổ cốt chi                     160g

Nhục đậu khấu ( sao)    80g

Ngũ vị tử                         80g

Ngô thù du                      40g

Sinh khương               320g

Đại táo                          240g

Cách dùng: Bốn vị đầu tán bột mịn, dùng nước sắc Khương táo làm thang trộn với bột thuốc thêm ít bột mì vừa đủ luyện thành hoàn, mỗi lần uống 12 - 16g với nước muối nhạt hoặc nước sôi nguội, trước lúc ngủ. Có thể làm thuốc thang sắc uống. Liều lượng và các vị thuốc có thể gia giảm tùy tình hình bệnh lý.

Tác dụng: ôn tỳ thận, cố sáp chỉ tả.

Trong bài dùng cố chỉ để bổ thận dương, ngô thù, nhục đậu để ôn tỳ vị, ngũ vị để liễm tràng chỉ tả có thể gia phụ tử, bào khương, vũ dư hương (nấu) để ôn dương sáp tràng. Nếu tuổi cao, sức yếu, tả lâu không khỏi gia sâm, kỳ, bạch truật, thăng ma để ích khí, thăng để hợp với bài Đào hoa thang để cố sáp, chỉ tả.

3) Tiêu chảy do Can khí thừa tỳ: Thường thường hông bụng đầy buồn, ăn ít, ợ hơi, mỗi lúc buồn bực, tinh thần căng thẳng thì bụng đau, đi tả, lưỡi đỏ nhợt, mạch huyền.

Phân tích: Có các triệu chứng trên là Can tỳ không hoà, khi buồn bực căng thẳng thì Can khí tràn sang tỳ, khiến tỳ kém vận hoá, khí cơ không điều hoà nên lúc ấy đau bụng đi tả, lưỡi đỏ mạch huyền là biểu hiện của Can vượng tỳ hư.

Cách chữa: ức can, kiện tỳ.

Thuốc dùng bài sau:

THÔNG TẢ YẾU PHƯƠNG gia giảm:

(Cảnh nhạc toàn thư)

Thành phần:

Bạch truật                    120g

Phòng phong sao          80g

Bạch thược sao             80g

Trần bì sao                     60g

Cách dùng: theo liều lượng trên bài thuốc chế thành thuốc tán hoặc thuốc hoàn. Mỗi lần dùng 6 - 12g, ngày uống 2 - 3 lần có thể làm thuốc thang sắc uống, các vị thuốc theo tỷ lệ trên gia giảm lượng.

Tác dụng: Tả can bổ tỳ.

Giải thích bài thuốc:

+ Bạch truật Thược dược tán chủ trị chứng đau bụng tiêu chảy do can vượng tỳ hư.

+Bạch truật kiện tỳ bổ trung là chủ dược.

+Bạch thược sơ can trấn thống.

+Trần bì lý khí hòa trung.

+Phòng phong sơ can lý tỳ.

Trong bài dùng bạch truật để kiện tỳ, bạch thược để nhu can, trần bì để lý khí, phòng phong để sơ phong, trợ tỳ. Bốn vị hợp thành để điều đạt can khí, thăng vận tỳ khí, can tỳ được điều hoà, đau và tả sẽ khỏi.

Như đã khái quát ở trên, tiết tả có nhiều loại, có lúc tả đơn thuần, có lúc kiêm nhiều chứng trạng thường chuyển hoá lẫn nhau, cần căn cứ đó mà điều trị.

Tiết tả tính phần nhiều do ngoại tà xâm phạm và ăn uống gây nên, bệnh phần lớn thuộc thực. Cách chữa nên khử tà là chính như phong hàn nên sơ giải, thấp nhiều thì phân lợi; thử nhiệt thì thanh và hoá, ăn uống tích trệ thì tiêu và thông.

Tiết tả mãn tính phần nhiều do công năng của tạng phủ không điều hoà gây nên, bệnh phần lớn thuộc hư, cách chữa nên bổ là chính như: hư hàn thì ôn bổ, hạ hàn thì thăng để, hoạt thoát thì cố sáp, thất tình tức giận thì sơ can hoà tỳ. Cấp tính không nên quá bổ và dùng nhiều chất sáp, mãn tính không được thông lợi ngoài ra trong việc ăn uống cần kiêng các thứ sống lạnh, dầu mỡ.

Các Bài Viết Khác
LƯƠNG Y MINH PHÚC
BẢN ĐỒ PHÒNG KHÁM
Phóng To Bản Đồ
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Đọc Sách Online
Tác giả: Lương Y Minh Phúc
Nhà xuất bản Y Học 2013
Số trang: 600 trang
Giá bán: 300.000 đ
Có bán tại hiệu sách hoặc điện thoại số 0903051388 gửi sách tận nơi.
GIỜ LÀM VIỆC
Sáng: Từ 7 giờ 30 đến 11 giờ
Chiều: Từ 16 giờ 30 đến 21 giờ
Chiều Thứ 7 và Chủ Nhật nghỉ.
Liên hệ: 0938895850
Vui lòng để lại tin nhắn khi máy bận.
THỐNG KÊ TRUY CẬP