Chữa Chóng Mặt Bằng Đông Y

http://a8.vietbao.vn/images/vn888/hot/v2012/20120804-111114-1-mon-an-bai-thuoc-phong-tri-dau-thuoc-vi-67758-2.jpeg     Chóng mặt đông y gọi huyễn vựng “Huyễn” là hoa mắt, “vựng” là chao đảo như ngồi trên thuyền. Hai triệu chứng này thường là một nên gọi chung là huyễn vựng, nhẹ thì thoáng qua, nặng thị tức ngực buồn nôn, đổ mồ hôi, nặng hơn thì ngất xỉu.

Bệnh này sách Tố vấn chí nhân yếu đại luận nói: Mọi chứng quay cuồng chao đảo đều thuộc can mộc, ý nói do can phong nội động sinh ra, về sau Bách hà gian lục thư cho là phong và hoả gây nên, dương thuộc hoả, dương chủ động nên gây ra chao động. Đan khê tâm pháp cho rằng không có đờm thì không “huyễn”, cho nên trước hết cần chữa đờm. Sách cảnh nhạc toàn như nói: không hư thì không thành “huyễn”, không thành “vựng” ý nói là huyễn vựng là do hư hiệp hoả, phép chữa là bổ hư bình can hoả.

Bệnh này theo y học hiện đại bao gồm bệnh về tai, não, cao huyết áp, xơ gan, thiếu máu, suy nhược thần kinh và có các bệnh về não.

Nguyên nhân bệnh lý:

Nguyên nhân bệnh huyễn vựng chia làm mấy loại hình như sau:      

1) Can dương thượng cang (can dương khô nóng)

Bình thường can dương khô nóng ở trên gây huyễn vựng, hoặc do tình chí không thư thái, uất ức lâu ngày khiến can âm hao, can dương thăng động gây nhiễu tầng không gây huyễn vựng; có khi thận âm hư tổn không dưỡng được can mộc dẫn đến can âm thiếu, can dương bốc lên gây huyễn vựng.

2) Đờm trọc trung trở  (đờm đục trở ngại bên trong)

Do ăn nhiều các thứ béo bổ, hại đến tỳ vị, thức ăn uống không hoá thành tân dịch mà biến thành đờm thấp, khiến thanh dương không thăng, trọc âm không giáng gây huyễn vựng.

3) Thận tinh bất túc:

Do tiên thiên thiếu hoặc khó nhọc lam lũ nhiều khiến thận tinh khô thiếu, tủy thiếu, không bổ sung cho não, não thiếu tủy cũng gây huyễn vựng.

4) Khí huyết đều hư:

Bệnh lâu không khỏi, hao tổn khí huyết hoặc sau khi mất máu, bệnh chưa phục hồi hoặc tỳ, vị hư nhược không vận hoá thức ăn được để sinh ra khí huyết dẫn đến khí huyết đều hư, khí hư thì dương yếu, huyết hư thì não không được nuôi dưỡng đều gây nên huyễn vựng.

Như đã nói ở trên, bệnh huyễn vựng thường có chuyển hoá và tác động qua lại lẫn nhau như thận tinh thiếu là thuộc âm hư, âm hư lại tổn thương đến dương, sẽ chuyển đến dương hư. Như đờm trở ngại bên trong, gây nên thấp đờm lâu ngày hoá hoả, thành đờm hoả nung nấu ở trong. Mất máu nhiều khiến khí theo huyết cũng mất nghiêm trọng sẽ dẫn đến bạo thoát (tử vong).

Biện chứng luận trị:

Căn cứ triệu trứng phát bệnh và nguyên nhân bệnh, quy nạp bốn loại hình như trên để điều trị.

1) Chóng mặt do Can dương thượng cang:

Chủ chứng: Choáng đầu, ù tai, đầu có lúc đau căng, khi tức giận thì đau tăng, dương thăng nên mặt đỏ, hay tức giận, ít ngủ mơ màng, miệng đắng lưỡi đỏ, mạch huyền biểu tượng của dương cang.

Phép chữa: Bình can, tiềm dương, thanh hỏa, tức phong.

Bài thuốc:

THIÊN MA CÂU ĐẰNG ẨM gia giảm:

(Tạp bệnh chứng trị tân nghĩa)

Thành phần:

Thiên ma                  12g

Câu đằng                 16g

Thạch quyết minh    20g (sắc trước)

Chi tử                       12g

Hoàng cầm             12g

Xuyên Ngưu tất        16g

Ích mẫu thảo            16g

Tang ký sinh             20g

Dạ đằng giao            20g

Bạch linh                  20g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Bình can tức phong, tư âm thanh nhiệt. chữa đau đầu, ù tai, hoa mắt, mất ngủ hoặc bán thân bất tọa, lưỡi đỏ, mạch huyền sác.

Bài này cũng như bài

+Trong khi dùng thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh để bình can tiềm dương, hoàng cầm, chi tử để thanh can hỏa, tang ký sinh để bổ can thận, dạ giao đằng, bạch linh để dưỡng tâm an thần, giúp sức cho bình can tiềm dương nên gia thêm bạch thược, chân sinh địa, nữ trinh. Nếu ban đầu miệng đắng, mắt đỏ, lưỡi đỏ, mạch huyền sác gia long đởm, hạ khô thảo, đan bì để thanh can tiết nhiệt, bệnh nặng, buồn nôn, chân tay tê cứng, run rẩy gia quy bản, mẫu lệ, từ thạch để tiềm dương tức phong, bệnh trở lại bình thường thì uống bài Kỷ cúc địa hoàng hoàn gia giảm gồm có vị: Câu kỷ tử, cúc hoa, thục địa, sơn thù, sơn dược, trạch tả, đan bì, phục linh. Tác dụng: bổ thận dưỡng can, thanh hỏa,

2) Chóng mặt do Đờm trọc trung trở:

Chủ chứng: Đầu choáng váng và nặng nề, hông bụng buồn đầy, buồn nôn, ăn ít, ngủ li bì, lưỡi trắng mạch nhu hoạt.

Phân tích: Đờm trọc bốc lên nhiều phần dương, nếu đầu choáng quay đảo, vị khí ở trung tiêu không giáng, khí cơ không lợi, nên hông bụng buồn đầy, buồn nôn, ăn ít, mệt mỏi, ngủ li bì, lưỡi nhợt nhạt, nhu hoạt đều do đờm trọc úng trệ, thanh dương không thanh.

Phép chữa: Táo thấp tiêu đờm:

Bài thuốc:

BÁN HẠ BẠCH TRUẬT THIÊN MA THANG gia giảm:

( Y học tâm ngộ )

Bán hạ chế                 8g

Bạch linh                  12g

Bạch truật                12g

Thiên ma                    8g

Quất hồng                  8g

Cam thảo                   4g

Cách dùng: cho thêm Gừng tươi 2 lát, Táo 2 quả sắc nước uống.

Tác dụng: Kiện tỳ, trừ thấp, hóa đờm, tức phong.

Giải thích bài thuốc:

 Bài thuốc này Nhị trần thang gia Bạch truật, Thiên ma, thường dùng để trị chứng phong đàm, đau đầu, chóng mặt.

Dẫn giải bài thuốc:

+Bán hạ, Thiên ma hóa đờm tức phong, trị đau đầu, chóng mặt là chủ dược.

+Bạch truật, Bạch linh kiện tỳ trừ thấp để tiêu đờm.

+Quất hồng lý khí hóa đờm.

+Cam thảo, Sinh khương, Đại táo điều hòa tỳ vị.

Nếu đầu, mắt căng đau, buồn bực, giật thót, miệng đắng, tiểu tiện vàng là đờm trọc hoá hoả, cách chữa là thanh nhiệt hoá đờm, hòa vị giáng nghịch. Dùng bài Hoàng liên ôn đởm thang gia giảm gồm có vị: Bán hạ, trần bì, cam thảo, chí thực, trúc như, hoàng liên đại táo.

3) Chóng mặt do Thận tinh bất túc:

Chủ chứng: Choáng đầu, mệt mỏi, hay quên, lưng gối đau yếu, ù tai, mất ngủ, di tinh, chân tay lạnh, lưỡi nhạt, mạch trầm tế, nghiêng về âm hư, lòng bàn chân tay nóng, lưỡi đỏ, mạch huyền tế.

Phân tích: Thận là nơi tàng tinh và tủy bị thiếu không cung cấp lên não gây nên huyễn vựng, mờ mịt hay quên. Thận chủ chốt, lưng là phủ của thận, thận hư nên thấy buồn mỏi, thận quan không vững nên có di tinh, thận khai khiếu ra tai, thận hư nên tai ù, tai kêu, lệch về dương hư, dương hư sinh hàn nên chân tay lạnh, lưỡi nhợt mạch trầm tế là nghiêng về âm hư, âm hư sinh nhiệt nên lòng bàn chân không ấm, lưỡi đỏ, mạch trầm tế.

Phép chữa: Nghiêng về dương hư thì bổ thận trợ dương, nghiêng về âm hư thì bổ thận tư âm.

Bài thuốc:

 HỮU QUY HOÀN gia giảm:

(Cảnh nhạc toàn thư)

Thục  địa                  32g

Sơn thù                   16g

Bạch linh                  12g

Sơn dược               16g

Trạch tả                   12g

Đơn bì                      12g

Phụ tử                        4g

Nhục quế                    6g

Đỗ trong                   14g

Đương quy              14g

Lộc giác giao            12g

Thổ ty tử                  12g

Cách dùng: Theo tỷ lệ trên tất cả tán bột mịn luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 4 - 8g, có thể làm thuốc thang sắc uống.
Tác dụng: Các chứng thận dương bất túc, mệnh môn hỏa suy, lão suy. 
Lâm sàng biểu hiện các triệu chứng: sợ lạnh, chân lạnh, hoạt tinh, liệt dương, chân đau, gối mỏi.

Trong bài lấy tri bá địa hoàng hoàn (25) làm chủ phương. Nếu huyễn vựng nặng thì gia thêm long cốt, mẫu lệ từ thạch để tiềm dương.

4) Chóng mặt do Khí huyết đều hư:

Chủ chứng: Do khí huyết thiếu gây nên chóng mặt, hoa mắt, sắc mặt nhợt, hồi hộp mất ngủ, mệt mỏi, biếng nói, biếng ăn, lưỡi nhợt, mạch tế nhược.

Phân tích: Do khí huyết, não không được nuôi dưỡng nên gây chóng mặt, nặng thì ngã quay. Huyết hư không lưu thông được toàn thân nên sắc mặt và người nhợt nhạt, huyết thiếu không đủ dưỡng tâm nên hồi hộp, giật thót, ít ngủ, tỳ vị thu nạp và vận hoá thất thường nên kém ăn, mạch tế nhược là biểu hiện của khí huyết suy kém.

Phép chữa: Bổ dưỡng khí huyết, kiện vận tỳ vị.

Bài thuốc: QUI TỲ THANG gia giảm:

(Tế sinh phương)

Nhân sâm                12g

Phục thần                 12g

Táo nhân                  12g

Viễn chí                     6g

Hoàng kỳ                  12g

Mộc hương                4g

Bạch truật                12g

Nhãn nhục                12g

Đương qui                12g

Chích thảo                  4g

Sinh khương           3lát

Đại táo                    3quả

Cách dùng: sắc nước uống. Có thể hòa với mật làm thành hoàn, mỗi lần uống 8 - 12g.

Tác dụng: Kiện tỳ dưỡng tâm, ích khí bổ huyết.

Giải thích bài thuốc:

Bài này gồm 2 bài "Tứ quân tử thang" và " Đương qui bổ huyết thang" gia Long nhãn nhục, Toan táo nhân, Viễn chí, Mộc hương, Đại táo là 1 bài thuốc thường dùng để trị chứng tâm tỳ hư tổn. Trong bài:

+Sâm Linh Truật Thảo (Tứ quân) bổ khí kiện tỳ để sinh huyết là chủ dược.

+Đương qui, Hoàng kỳ bổ khí sinh huyết.

+Long nhãn, Táo nhân, Viễn chí dưỡng tâm an thần.

+Mộc hương lý khí ôn tỳ.

+Sinh khương, Đại táo điều hòa vinh vệ.

Các vị thuốc hợp lại có tác dụng ích khí kiện tỳ bổ huyết dưỡng tâm.

 Nếu nghiêng về hư hàn, chân tay lạnh, ỉa lỏng thì gia nhục quế, can khương để ôn trung trợ dương, nếu mất máu nhiều, khí theo huyết thoát, chân tay lạnh, đổ mồ hôi, mạch vi nhược nhanh, phải bồi dưỡng cứu thoát, dùng bài SÂM PHÙ LONG LỆ thang gia giảm có vị: Nhân sâm, phụ tử, long cốt, mẫu lệ. Bệnh tình chuyển giảm sau khi điều trị lại theo phương pháp trên điều trị tiếp.

Tóm lại: Nguyên nhân của bệnh huyễn vựng là do phong, hoá, đờm và hư. Có khi xuất hiện đơn độc, có khi xuất hiện song trùng khi gặp bệnh nên xem xét kỹ để có phương pháp điều trị. Bệnh cấp khuẩn nhiễm thuộc thực, trước phải thanh hỏa, hoá đờm, bình can, tiềm dương, túc phong. Bệnh hoàn phần nhiều thuộc hư cần phải bồi dưỡng khí huyết, bổ ích, can thận, kiện tỳ và kèm theo những vị tức phong hoá đờm, lựa chọn phương pháp xác đáng, sau khi bệnh khỏi thì lại điều trị tận gốc.

Các Bài Viết Khác
LƯƠNG Y MINH PHÚC
BẢN ĐỒ PHÒNG KHÁM
Phóng To Bản Đồ
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Đọc Sách Online
Tác giả: Lương Y Minh Phúc
Nhà xuất bản Y Học 2013
Số trang: 600 trang
Giá bán: 300.000 đ
Có bán tại hiệu sách hoặc điện thoại số 0903051388 gửi sách tận nơi.
GIỜ LÀM VIỆC
Sáng: Từ 7 giờ 30 đến 11 giờ
Chiều: Từ 16 giờ 30 đến 21 giờ
Chiều Thứ 7 và Chủ Nhật nghỉ.
Liên hệ: 0938895850
Vui lòng để lại tin nhắn khi máy bận.
THỐNG KÊ TRUY CẬP