TRANG CHỦ » THUỐC TỪ ĐỘNG VẬT » TRĂN RẮN RÙA CÔN TRÙNG
Vị thuốc chữa bệnh từ ong mật...

Theo kinh nghiệm dân gian, ong mật có nhiều loài. Ở miền bắc, có ong muỗi (cơ thể nhỏ) cho mật màu trắng và ong khoái (loại to) cho mật màu vàng. Ở miền nam, vùng rừng U Minh, có ong mật (loại to chiếm đa số) hút mật hoa tràm là chủ yếu, mật có màu vàng; ong ruồi nhỏ hơn, thân mình hơi dẹt, không giống con ong muỗi nuôi ở các tỉnh phía bắc, làm mật từ nhiều loài hoa, mật có màu vàng nâu, chất lượng tốt hơn.

Nhiều sản phẩm của ong mật được sử dụng phổ biến:

- Mật ong: tên thuốc trong y học cổ truyền là bách hoa tinh, bách hoa cao hay phong mật, là mật hoa được ong chế biến và đặc lại. Đó là một chất lỏng sánh có màu trắng đục, vàng nhạt hoặc vàng thẫm, thơm đặc trưng của mùi mật ong, vị ngọt dịu, để lâu thành ngọt đậm, khé cổ, có đường kết tinh ở dưới gọi là châu. Mật ong được dụng là mật ong thiên nhiên nguyên chất, đã được tiêu chuẩn hoá để ổn định thành phần của mật và bảo quản được lâu. Một lít mật ong được dụng có trọng lượng trên 1,42 kg, còn một lít mật ong thu mua bình thường chỉ nặng 1,2 - 1,3 kg.

- Sữa ong chúa (sữa chúa, phong nhũ tinh): là chất lỏng, sánh, màu trắng đục đến ngà vàng, có giá trị cao nhất trong tổ ong.

- Sáp ong (phong lạp): có thể chất mềm, hơi trong, mịn bóng như có dầu mỡ, màu vàng là hoàng lạp, màu trắng là bạch lạp, có mùi thơm của mật ong và nhựa thông.

- Keo ong (phong giao): là nhựa cả các loài cây (nhất là các chồi mầm) do con ong nghiền nát luyện với sáp mà thành, có màu nâu hoặc vàng sẫm.

- Nọc ong: là sản phẩm đặc biệt của cơ thể con ong, đó là một chất lỏng rất sánh, không màu.

- Phấn hoa: do con ong đi hút mật mang về với mục đích làm thức ăn nuôi ong con. Đó là những thỏi nhỏ hình thoi, dài 0,6 - 0,8 cm, hai đầu thuôn tù, màu vàng nhạt.

Thành phần hoá học Mật ong chứa 0,4% protid, 80% đường chủ yếu là glucose, levulose (nếu tỷ lệ saccharose cao thì do ong được nuôi bằng đường trắng), 5,1mg % Ca, 7,2mg % P, 0,46mg % Fe, 2,9 mg %Mg, 0,004 mg % vitamin B1, 0,2 mg % PP, 0,02 mg % vitamin B6, 70 mcg % acid panthotenic, các men lipaza, galactaza, diastaza..., 100g mật ong cung cấp 335 calo. Mật ong có thể có chất độc, nếu ong hút mật ở những cây chứa độc tố.

- Sữa ong chúa có acid amin, trong đó nhiều loại cơ thể không tổng hợp được, nhất là cystein, acid hữu cơ, vitamin (nhất là vitamin B2), đường (ít hơn), chất mỡ, các kích thích tố, một số enzym, muối khoáng.

- Sáp ong chứa nhiều vitamin A, các acid béo no và không no, các chất cerin, myricin, cerolein. Cerin là hỗn hợp các chất ester cerotat ceryl và melissat ceryl. Cerolein gồm các hợp chất oleic.

- Keo ong có 50 - 55% dầu nhựa, 8 - 10% tinh dầu, 30% hợp chất sáp, 5% phấn hoa.

- Nọc ong chứa albumin mellitidin, chất béo, các chất có cấu tạo steroid, muối vô cơ và hơn 20 loại acid amin.

- Phấn hoa ong mang về chứa 7 - 35% protein, 0,22% hydrat carbon, 10% acid amin tự do, 7,5 - 40% đường khử, 0,1 - 19% đường không khử, Ca, P, Fe, K, Mg, Zn,... 6 - 15 mg% vitamin C, 5 - 9 mg% vitamin P, khá nhiều vitamin nhóm B và các men invertaza, amylaza, phosphataza.

Theo đông y Mật ong có vị ngọt, tính bình, không độc, vào 5 kinh tâm, phế, tỳ, vị và đại tràng, có tác dụng bổ dưỡng, dễ tiêu, kháng khuẩn, làm se.

- Sữa ong chúa có vị ngọt, hơi chua, hơi khé cổ, có tác dụng bổ dưỡng cao, tăng trọng, kích thích và điều hoà.

- Sáp ong có vị ngọt, hơi ấm, không độc, có tác dụng tiêu độc, làm se, cầm máu, chống loét.

- Keo ong có vị nhạt, có tác dụng sát khuẩn, kích thích hệ miễn dịch, bảo vệ và phục hồi sự phát triển của da.

- Nọc ong có vị đắng, có độc, có tác dụng giảm đau, chống viêm, bình suyễn, trừ thấp.

- Phấn hoa ong mang về có vị nhạt, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức, có tác dụng kích thích tiêu hoá.

- Thuốc bổ dưỡng: Đường trong mật ong làm mạnh các tế bào và bắp thịt, các vitamin tăng cường sức chống đỡ của cơ thể, chất albumin và acid panthotenic góp phần vào việc cấu tạo và hình thành các tế bào mới, các muối khoáng, đạm thực vật rất cần thiết cho người.

Hàng ngày, cho trẻ nhỏ uống 1 - 2 thìa cà phê mật ong trẻ sẽ chóng lớn, ít mắc bệnh. Những người muốn bồi bổ cơ thể, mới ốm dậy cần phục hồi sức khoẻ mau chóng, thường dùng mật ong đánh nhuyễn với trứng gà hoặc mật ong ngâm rau thai để ăn. Người bị lao dùng mỗi ngày 100 - 150g mật ong làm hồng cầu tăng nhanh, sức khoẻ chóng hồi phục.

- Thuốc kháng khuẩn: mật ong nguyên chất càng để lâu càng quánh đặc, không bị chua. Người ta đã phát hiện được mật ong để trong một kim tự tháp ở Ai Cập hơn 3000 năm mà không bị hư hỏng, biến chất, màu sắc và mùi vị vẫn thơm ngon. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh mật ong hay dung dịch chứa từ 30% mật ong trở lên là môi trường mà số đông các vi khuẩn và nấm không thể phát triển được. Điều đó giải thích rằng trẻ em đang bú mà bị tưa lưỡi (do một loại nấm), bôi mật ong vài lần là khỏi. Hoặc những vết loét ở miệng, lưỡi, lợi cũng bị đẩy lùi bởi dung dịch Miel - rosat gồm mật ong và bột hoa hồng đỏ (một loại thuốc cổ điển của y học hiện đại). Những vết thương, vết mổ được băng bó bằng mật ong sẽ chóng khô, sạch và không có mùi hôi, vì mật ong đã hút nước và vi khuẩn chống được sự lây lan.

- Thuốc làm se: Các men trong mật ong đã tham gia vào quá trình tiêu hoá của cơ thể, chuyển đường đa và tinh bột thành đường đơn dễ hấp thu. Dùng mật ong đều đặn hàng ngày có tác dụng điều hoà hoạt động của ruột non và chữa được táo bón. Đặc biệt, mật ong được dùng khá phổ biến để chữa bệnh viêm loét dạ dày và tá tràng. Cuốn "Chỉ bảo thư" của Eberas cách đây 3500 năm đã viết " mật ong không những là môn thuốc bổ mà còn có khả năng chữa mau lành các vết loét". Người ta thấy rằng mật ong làm giảm và đưa độ acid của dịch vị trở lại bình thường, nên làm dịu các cơn đau. Nó còn có tác dụng kháng khuẩn mạnh và với độ sánh đặc cao, đã bao che vết loét, làm chóng lành.

- Sữa ong chúa được coi là loại thuốc bổ cao cấp, có tác dụng kích thích phần giữa của não, tuyến yên dưới não, và tuyến thượng thận, tăng cường tuần hoàn huyết dịch và điều hoà chức năng của các cơ quan trong cơ thể bị lão hoá, hoặc dùng cho người mới ốm dậy, người già yếu, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi sinh đẻ bị thiếu máu, ít sữa, kém ăn, mất ngủ. Thuốc còn có khả năng kiềm hãm một số vi khuẩn gây bệnh, giảm hiện tượng "stress" ở người lao động quá mức và cải thiện hệ thống miễn dịch. Liều dùng thông thường hàng ngày là 2 - 3 ml. Viện Bảo vệ sức khoẻ người cao tuổi đã thử nghiệm lâm sàng thuốc bổ "sữa ong chúa - đinh lăng" thấy có tác dụng tốt làm ăn ngon, dễ ngủ, đỡ mệt mỏi, tăng cân, tăng lực cơ, giảm cholesterol. Thuốc gồm: sữa ong chúa, dịch chiết rễ đinh lăng, mật ong, cồn, và tá dược vừa đủ.

Sữa ong chúa còn được chế biến thành bột dạng đông khô và đóng thành viên, mỗi viên có 0,06g sữa ong chúa dùng để chữa một số bệnh thần kinh, rối loạn tiêu hoá, thiếu máu, đặc biệt đối với trẻ em và người cao tuổi. Để làm cho da dẻ mịn màng, chữa tàn nhang, trứng cá ở phụ nữ, viêm da có mủ, mụn nhọt và chàm nhẹ ở trẻ sơ sinh, có thể dùng dạng kem sữa ong chúa 3% để bôi hàng ngày.

- Sáp ong: Những loại thuốc tễ, thuốc hoàn to và dẻo như quy toàn, hà xa đại tạo hoàn được bao bằng sáp ong để bảo quản được rất lâu, chất lượng vẫn được đảm bảo. Sáp ong tham gia vào thuốc dán, thuốc mỡ như một chất kết dính.

Sáp ong đốt thành than, tán nhỏ: chữa viêm họng, bí đại tiểu tiện; Sáp ong + thuyền thoái (xác ve sầu) chữa da khô nóng và ngứa ngáy; Tầng sáp + tóc rối + xác rắn lột, lượng bằng nhau, đốt tồn tính tán bột, uống ngày 4g với rượu chữa miệng lưỡi lở loét.

Rượu keo ong 10% và 30% được điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ với kết quả rất tốt. Rượu keo ong 40% dùng kéo dài liều 5 - 10ml hàng ngày lại có tác dụng ức chế khối u, ung thư tuyến tiền liệt.

- Nọc ong được dùng chữa thấp tim, viêm đa khớp, viêm dây thần kinh, hen suyễn, đau cột sống, cao huyết áp. Bằng phương pháp dùng ong đốt trực tiếp tại chỗ như hình thức châm cứu.

Đối với bệnh viêm dây thần kinh, cho ong đốt dọc theo đường đi của dây thần kinh bị viêm. Để chữa cao huyết áp, cho ong đốt vào vùng trên ngoài của chân, vùng trước dưới đùi hoặc vùng cổ tay.

Chữa hen phế quản, cho ong đốt dọc hai bên xương sống cách 2 cm.Chữa đau khớp, đau lưng, cho ong đốt vào các đốt xương đau và dọc xương sống. Chữa suy nhược thần kinh, cho ong đốt ở vùng vai, đỉnh đầu và dọc xương sống.

Nọc ong còn được chế biến thành nhiều dạng thuốc khác nhau như nhũ dịch, dầu bôi... để dùng.

Do nọc ong có tính độc, lại tuỳ thuộc lượng sử dụng và mức độ cảm thụ của cơ thể từng người, nên việc chữa bệnh bằng nọc ong phải hết sức thận trọng, nhất thiết phải theo sự hướng dẫn và theo dõi của thấy thuốc. Phụ nữ có thai, người bị bệnh lao, bệnh gan không được dùng nọc ong.

Theo tài liệu nước ngoài, nọc ong chữa được bệnh vô sinh ở phụ nữ rất hữu hiệu.

- Phấn hoa: do ong mang về được dùng làm thuốc bổ, tăng cường sức chống đỡ với bệnh tật, chữa suy dinh dưỡng dưới dạng nguyên bản của thỏi phấn được gọi là "viên phấn hoa", được sấy khô ở nhiệt độ 40oC để diệt men và dùng ngay không cần chế biến. Hoặc trộn phấn hoa (25g) với mật ong (50g) thành dạng đặc biệt là lương ong để dùng trong một ngày.

Mật ong (90g) đổ vào nước sắc cam thảo tươi (15g) và trần bì (10g) khuấy đều uống làm 3 lần trong ngày chữa loét dạ dày, tá tràng. Để chữa viêm mũi, mỗi ngày 3 lần nhai một miếng tầng ong khoảng 10 phút rồi nhả bã. Tầng ong có cả ấu trùng (10g) sắc với 100ml nước trong 3 phút, vớt bỏ bã, thêm 50g đậu phụ, 20g đường trắng, đun sôi 10 phút uống ngày 2 lần, chữa ho gà. Đặc biệt ấu trùng ong (3-5con) nghiền nát với ít đường trắng ăn chữa xuất huyết..

dongyminhphuc.com

Chia sẻ

Tác giả Minh Phúc
Các Bài Viết Khác
LƯƠNG Y MINH PHÚC
BẢN ĐỒ PHÒNG KHÁM
Phóng To Bản Đồ
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Đọc Sách Online
Tác giả: Lương Y Minh Phúc
Nhà xuất bản Y Học 2013
Số trang: 600 trang
Giá bán: 300.000 đ
Có bán tại hiệu sách hoặc điện thoại số 0903051388 gửi sách tận nơi.
GIỜ LÀM VIỆC
Sáng: Từ 7 giờ 30 đến 11 giờ
Chiều: Từ 16 giờ 30 đến 21 giờ
Chiều Thứ 7 và Chủ Nhật nghỉ.
Liên hệ: 0938895850
Vui lòng để lại tin nhắn khi máy bận.
THỐNG KÊ TRUY CẬP